Bánh tai yến là một món bánh dân dã, một trong những đặc sản miền Tây sông nước. Bánh khi ăn sẽ cảm nhận được sự giòn ở vàng bánh, dai mềm bên trong và vị thơm béo cực kì hấp dẫn, hơn nữa để làm ra món bánh này lại rất đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện. Cùng vào bếp hôm nay để làm món bánh tai yến này ngay với CNV nhé!
Bánh tai yến
Nguyên liệu làm bánh tai yến cho 5 người
- Bột gạo 270 gr
- Bột năng 30 gr
- Bột nếp 30 gr
- Trứng 1 quả
- Nước cốt dừa 230 gr
- Đường trắng 150 gr
- Bột vani 1 muỗng cà phê
- Dầu ăn 250 ml
- Muối 1 muỗng cà phê
Cách chế biến bánh tai yến
Đánh trứng
Đập 1 quả trứng cho vào tô, rồi dùng cây đánh trứng đánh tan đều lòng đỏ và lòng trắng chứ không đánh bông, rồi cho 160ml nước lọc vào khuấy đều.
Trộn hỗn hợp bột
Cho vào tô lớn 270gr bột gạo, 30gr bột nếp, 30gr bột năng và 1 muỗng cà phê bột vani.
Cho phần trứng gà đã chuẩn bị ở bước 1 lọc qua rây vào hỗn hợp bột, dùng phới dẹt trộn đều sao cho hỗn hợp bột hòa quyện.
Nấu hỗn hợp nước cốt dừa
Bắc nồi nhỏ lên bếp, cho vào nồi 150gr đường, 1 muỗng cà phê muối và 230gr nước cốt dừa. Khuấy tan và đun hỗn hợp đến khi hỗn hợp nước cốt dừa sôi nhẹ, sau đó tắt bếp.
Trộn bột với nước cốt dừa và ủ bột
Cho từ từ phần nước cốt dừa vừa nấu vào phần bột bánh, trộn nhẹ rồi dùng tay nhồi cho bột hoà quyện từ từ, không bị vón cục.
Sau khi nhồi khoảng 3 phút, thấy hỗn hợp bột đã mịn, còn mềm ẩm và dính tay thì cho tất cả phần nước cốt dừa còn lại vào bột rồi khuấy đều để tạo thành 1 hỗn hợp sánh loãng, hơi sệt lại.
Sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc tô bột lại, ủ bột từ 4 – 6 tiếng.
Chiên bánh
Rót khoảng 50ml bột vào 1 cái ly nhỏ để tiện việc rót bánh vào chảo và để bánh khi chiên có kích cỡ bằng nhau.
Bắc một chiếc chảo lên bếp, đổ 250ml dầu ăn vào đun ở lửa vừa cho khi dầu nóng, sau đó hạ lửa xuống ở mức vừa rồi từ từ đổ bột vào giữa chảo.
Chiên bánh cho vàng một mặt rồi lật sang mặt bên, chiên đến khi chín vàng đều, phần giữa bánh phồng lên, rìa bánh cong nhẹ là bánh đã chín và có thể vớt ra.
Vớt bánh ra một chiếc đĩa có lót sẵn giấy thấm dầu để thấm bớt dầu, bánh sẽ ngon hơn.
Thành phẩm
Bánh tai yến thơm ngon, giòn bên ngoài, mềm dẻo bên trong. Bánh ăn ngay lúc vừa làm xong thì ngon không phải bàn.
Bánh khi ăn có độ ngọt vừa phải cùng vị thơm béo của nước cốt dừa rất bắt miệng. Bánh sẽ đỡ ngán hơn nếu bạn chấm thêm với một ít tương ớt cay cay đấy.
Bánh tai yến (Công thức được chia sẻ từ người dùng)
Nguyên liệu làm bánh tai yến cho 1-2 người (Công thức được chia sẻ từ người dùng)
- Bột gạo 250 g
- Bột nếp 50 g
- Đường 160 g
- Dầu ăn 1 ít
Cách chế biến bánh tai yến (Công thức được chia sẻ từ người dùng)
Trộn bột
Cho 250g bột gạo vào tô lớn rồi cho tiếp 50g bột nếp vào đảo đều cho 2 loại bột này trộn lẫn vào nhau. Tiếp đến, cho 250ml nước lọc vào trộn đều lên tạo thành 1 khối.
Nhồi tay thêm tầm 10 phút bạn cho 160g đường vào rồi dùng máy đánh trứng cầm tay đánh đều phần bột tạo thành hỗn hợp dạng sệt.
Chiên bánh
Bạn nên sử dụng chảo sâu lòng để chiên bánh dễ hơn, bạn cho dầu vào tầm khoảng 1/2 chảo chiên bánh trong ngập dầu.
Phần bột bạn chia ra thành từng ly bột nhỏ, khi dầu sôi bạn đổ bột theo 1 đường thẳng từ trên xuống không quay vòng tròn bánh. Khi đã đổ hết bột vào chảo bạn để yên cho bánh chín và phồng lên, khi bánh đã phồng hết bạn mới trở mặt bánh. Cứ làm tương tự đến khi hết bột bánh sẽ chín và phồng đều.
Thành phẩm
Bánh sau khi chiên xong phần ở giữa phồng đều, phần tai bên ngoài bung lên nhìn rất đẹp mắt. Phần bột bánh dẻo dai ăn rất cuốn miệng, 1 món bánh đơn giản dễ làm bạn hãy thêm ngay vào thực đơn nhà mình nhé!
Nguồn gốc bánh tai yến
- Bánh tai yến có nguồn gốc từ miền Tây. Rồi không biết từ bao giờ, bánh tai yến trở thành món ăn quen thuộc của người dân Sài Gòn, hình ảnh gánh bánh tai yến ngay các góc phố, lề đường trở nên thân quen trong mắt mọi người. Nhưng món bánh ngon này đang dần mai một với sự vắng bóng của những gánh hàng.
- Bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài của bánh giống như tổ chim yến, bên ngoài rìa bánh thơm giòn, bên trong mềm ngon. Ở một số nơi, bánh tai yến còn được gọi là bánh nón.
Mẹo thực hiện thành công bánh tai yến
- Để bánh có vành nhiều và nở to, bạn có thể thêm một ít nước vào cho bột lỏng ra. Tuy nhiên bạn đừng thêm nhiều quá nhé, vì bánh sẽ bị nhăn và không được đẹp mắt.
- Nên dùng cái ly nhỏ khi đổ bột vào chảo chiên để tạo hình bánh đẹp hơn.
- Bánh nên được chiên ngập dầu để đạt được sự giòn ngon ở phần rìa bánh, hơn nữa giúp bánh được chín vàng và nở đều đẹp.
Tác dụng của nước cốt dừa
Nước cốt dừa là một thành phần quen thuộc trong nhiều món ăn và thức uống, mang lại hương vị béo ngậy, ngọt dịu. Ngoài việc làm phong phú thêm hương vị, nước cốt dừa còn có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Dưới đây là những lợi ích nổi bật mà nước cốt dừa mang lại:
Tốt cho sức khỏe tim mạch
Nước cốt dừa chứa một lượng đáng kể các chất béo lành mạnh, bao gồm MCT và axit lauric, có tác dụng giảm mức cholesterol xấu (LDL) trong máu. Khi mức LDL giảm, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim cũng giảm đáng kể.
Ngoài ra, nước cốt dừa còn chứa các khoáng chất quan trọng như magie giúp lưu thông và kiểm soát lưu lượng máu, giữ cho mạch máu linh hoạt hơn, đàn hồi và không bị tích tụ mảng bám.
Hỗ trợ tiêu hóa
Nước cốt dừa có khả năng cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách giảm các triệu chứng khó tiêu và đầy hơi. Các chất béo chuỗi trung bình trong nước cốt dừa giúp tiêu hóa dễ dàng hơn và thúc đẩy quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Bên cạnh đó, nước cốt dừa còn có tính kháng viêm, giúp làm dịu niêm mạc dạ dày và đường ruột.
Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch
Nước cốt dừa chứa axit lauric, một loại axit béo có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và kháng nấm. Axit lauric sau khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành monolaurin, giúp cơ thể tiêu diệt các loại vi khuẩn và vi rút có hại.
Cung cấp năng lượng và hỗ trợ giảm cân
Mặc dù nước cốt dừa giàu chất béo, nhưng loại chất béo trong nước cốt dừa là chất béo chuỗi trung bình (MCT), giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa và chuyển hóa thành năng lượng. Những người thường xuyên sử dụng nước cốt dừa trong chế độ ăn uống có thể cảm thấy no lâu hơn, từ đó giúp kiểm soát cơn thèm ăn và hỗ trợ giảm cân một cách tự nhiên.
Hỗ trợ điều trị viêm khớp
Nước cốt dừa chứa nhiều chất chống viêm và chất chống oxy hóa, có thể giúp giảm viêm và làm dịu các triệu chứng đau nhức do viêm khớp. Sử dụng nước cốt dừa thường xuyên trong bữa ăn giúp giảm viêm trong cơ thể, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm, đồng thời giúp xương khớp chắc khỏe hơn nhờ vào các khoáng chất thiết yếu như magiê, canxi.
Giúp kiểm soát đường huyết
Mặc dù nước cốt dừa có vị ngọt béo, nhưng nó lại có chỉ số đường huyết thấp, giúp kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bổ sung nước cốt dừa vào chế độ ăn uống mà không lo ngại về tình trạng tăng đường huyết đột ngột.
Bánh tai yến lá dứa giòn giòn, mềm mịn nhiều rễ tre, vừa thơm ngon lại vừa dễ làm. Cuối tuần này hãy vào bếp cùng CNV để thực hiện ngay cho cả nhà thưởng thức nhé, đảm bảo ai cũng tấm tắc khen ngon!